Bí quyết giúp bạn trở thành sếp nhanh chóng
Trên đây là những chia sẻ từ kinh nghiệm của người viết về một khía cạnh của Nghề tín dụng, nó có thể không đúng với số đông nhưng cũng có thể đúng với một số cá thể.
Con đường từ một “nhân viên” tín dụng đến “sếp” ngân hàng có thể đơn giản với người này nhưng lại đầy chông gai với người khác. Chỉ có điều chắc chắn rằng, muốn lên Sếp, trước hết hãy là một cán bộ tín dụng giỏi!
Bài viết của cộng tác viên là lãnh đạo tầm trung của một ngân hàng cổ phần trong mảng tín dụng. Bài viết là góc nhìn riêng của cộng tác viên, không thể hiện quan điểm của trang blog.
Tuy vất vả và nhiều áp lực nhưng lượng nhân sự “đổ” vào ngân hàng không có dấu hiệu giảm, các trường đại học đào tạo chuyên ngành tài chính ngân hàng luôn thu hút đông đảo các bạn học sinh đăng ký dự tuyển và có một sự thật là đại đa số các cán bộ tín dụng ít khi bỏ nghề.
Vậy đặt ra một câu hỏi là “làm thế nào để trở thành một chuyên viên tín dụng và một chuyên viên tín dụng giỏi”.
Hành trang trước khi vào nghề
Có một nỗi niềm băn khoăn của đại đa số sinh viên mới ra trường là chưa có kinh nghiệm sẽ rất khó vào ngân hàng. Nhưng đây là suy nghĩ không phù hợp với thực tế và chỉ là lý do để bao biện khi bạn trượt phỏng vấn ngân hàng.
Vì: thứ nhất vẫn có những sinh viên mới ra trường thi tuyển “ngon lành” tại các ngân hàng, thứ hai trong công tác tuyển dụng tất cả các “bank” vẫn liên tục sử dụng ứng viên mới ra trường. Vậy, đâu là cách giải cho bạn khi muốn trở thành một “Bankers”?
Hành trang đầu tiên là nghiêm túc khi đi phỏng vấn: Đại đa số các bạn sinh viên khi được hỏi một số kiến thức cơ bản về ngân hàng đều không trả lời được hoặc trả lời không đầy đủ. Đơn giản vì các bạn không học hoặc học không nghiêm túc chuyên ngành của mình.
Có rất nhiều Ban tuyển dụng phàn nàn rằng, sinh viên bây giờ không nghiêm túc trong phỏng vấn, đi phỏng vấn ngành ngân hàng và cụ thể là chuyên viên tín dụng nhưng gần như không nắm được nội dung công việc mình ứng tuyển, kiến thức chung thì sơ sài, nắm một cách qua loa, đại khái.
Vì thế lời khuyên đầu tiên là hãy nghiêm túc cho buổi phỏng vấn: nghiêm túc về kiến thức, về trang phục, tác phong và nội dung công việc ứng tuyển.
Trải nghiệm bằng thực tế hoặc tự hiểu thật sâu kiến thức ngân hàng: Thực tế chỉ ra rằng, nếu ứng viên nắm chắc kiến thức hoặc có trải nghiệm thực tiễn thì rất được Ban phỏng vấn đánh giá cao. Ban tuyển dụng khi phỏng vấn rất thích hỏi những bạn đã có trải nghiệm về công việc mà ứng viên đã chọn cho dù nó chỉ là ở mức độ thực tập – học việc – cộng tác viên.
Vì như thế Bạn đã có ý thức tự trang bị cho mình các “công cụ” trước khi thi tuyển bằng việc tự đưa mình vào môi trường của ngân hàng. Cho dù các kiến thức hoặc mức độ am hiểu của bạn chưa đạt đến yêu cầu nhưng điều đó đánh giá cao ý thức của ứng viên và tất nhiên với những ngân hàng nào đang cần người làm được việc ngay thì Bạn sẽ là sự lựa chọn đầu tiên.
Tuy nhiên nếu Bạn không có cơ hội để trải nghiệm thực tiễn thì sao? Ban tuyển dụng có rất nhiều cách để đánh giá ứng viên thi tuyển ngân hàng, vì thế Bạn cần có một tư duy thật mạch lạc về kiến thức ngân hàng, nắm sâu và chắc các nội dung đã học, đọc, vì Ban tuyển dụng hỏi sẽ đi sâu vào nhiều khía cạnh, bạn trả lời lưu loát, rõ ràng và đảm bảo tính liên kết kiến thức thì sẽ được đánh giá rất cao.
Ngoại hình, hành vi, tác phong: Chuyên viên tín dụng là hình ảnh của cả một ngân hàng vì vậy khi tuyển dụng sẽ ưu tiên những ứng viên nào có những đặc điểm sau: Một con người nhanh nhẹn, hoạt bát, có tư duy mạch lạc, rõ ràng, dễ gây thiện cảm, trang phục gọn gàng, lịch sự và đặc biệt một tính cách rất phù hợp với nghề tín dụng là sự điềm tĩnh.
Muốn lên Sếp, trước hết hãy là một cán bộ tín dụng giỏi
Từ kinh nghiệm của người viết cũng như có tham vấn ý kiến từ một số cán bộ quản lý ngân hàng đối với câu hỏi hỏi làm thế nào để trở thành một cán bộ tín dụng giỏi thì đều có chung nhận định là: “Có người chỉ cần 3 tháng, có người 5 năm vẫn chưa đạt yêu cầu”. Vậy, câu chuyện nằm ở đâu?
Thứ nhất là ranh giới của sự chấp nhận rủi ro: Nghề tín dụng là một công việc khá đặc thù, không hẳn là một nhân viên kinh doanh (sales) – nhưng cũng không đơn thuần là một chuyên viên phân tích tài chính, phân tích tín dụng. Và đặc biệt rủi ro tín dụng luôn là bức tranh hiện hữu trong thực tiễn cũng như trên lý thuyết.
Bản thân công việc này yêu cầu người làm phải hài hòa giữa tiếp thị, mở rộng khách hàng với kiểm soát rủi ro. Vì thế nếu Bạn không tự giải quyết mâu thuẫn này thì dẫn đến thực trạng là nhìn hồ sơ nào, khách hàng nào cũng thấy rủi ro, một thời gian sẽ làm bạn “ sợ” cho vay, và đương nhiên là bạn sẽ phải tìm cách chuyển sang bộ phận khác hoặc có thể là công việc khác.
Và câu chuyện đặt ra là Bạn chấp nhận bao nhiêu phần trăm rủi ro trong nghề. Bạn phải tự đặt cho mình một ranh giới, những khách hàng nào nằm trong ranh giới thì bạn yên tâm cho vay, nếu những khoản vay nào ngoài ranh giới thì bạn dừng lại hoặc cân nhắc thật kỹ.
Nhưng vấn đề là làm sao biết được ranh giới đó? Và làm cách nào? Thì lại phụ thuộc hoàn toàn vào tư duy, kỹ năng cũng như tính cách con người Bạn, cái này không ai có thể chỉ ra cho Bạn được mà cần phải có một quá trình thực tiễn, nhìn nhận đánh giá và học hỏi kinh nghiệm những người đi trước và bạn tích lũy lại cho bản thân mình.
Thứ hai là tạo cho bản thân kỹ năng: Nghe kỹ – hiểu sâu – làm chắc. Trong thực tế chúng ta có thể nhìn thấy hình ảnh cán bộ tín dụng là một con người nhanh nhẹn, hoạt bát, ăn nói lưu loát, nhiệt tình và hồ hởi với khách hàng nhưng đó là kỹ năng về giao tiếp và là kỹ năng cơ bản của những cán bộ sales.
Để là một cán bộ tín dụng giỏi và có thăng tiến trong công việc bạn phải tập cho mình những tư duy thật chắc chắn rõ ràng. Tín trong tín dụng là uy tín, nên đương nhiên khi bạn tư vấn cho khách hàng, khi bạn giải trình với lãnh đạo hoặc tham luận với đồng nghiệp thì những lời bạn nói ra phải thật rành mạch, rõ ràng về quan điểm và thật sự đem lại lòng tin cho người khác.
Vì thế đương nhiên bạn phải hiểu thật sâu vấn đề bạn nói, nếu bạn nắm sản phẩm hoặc vấn đề một cách chung chung, đại khái thì khi khách hàng hỏi sâu hoặc muốn tìm hiểu kỹ thì Bạn sẽ rất khó trình bày tiếp.
Hoặc đơn giản khi trao đổi với lãnh đạo, Bạn nắm không chắc và bị hỏi ngược lại (hỏi xoáy vào vấn đề) thì Bạn không đủ thông tin để trả lời “sếp”. Và nếu những điều này xảy ra Bạn không bao giờ là một CVTD giỏi được.
Nhưng để hiểu sâu thì điều đầu tiên phải làm là nghe kỹ, tức là bản phải tập thói quen khi giao tiếp với ai đó hoặc tiếp nhận lệnh từ “sếp” phải nghe đầy đủ, không hiểu thì hỏi lại và có thể nhắc đi nhắc lại trong đầu nếu thấy cần thiết.
Việc nghe kỹ còn thể hiện ở chỗ bạn nghe phải chọn lọc thông tin, có những thông tin mang tính chất “key” phải được ghi nhớ thật sâu. Việc chọn đâu là thông tin “key” phụ thuộc vào tư duy và kỹ năng của chính Bạn, được gây dựng từ kinh nghiệm trong quá trình làm việc.
Điều cuối cùng một chuyên viên tín dụng luôn phải ghi nhớ là “Làm chắc”, bởi đơn giản, rủi ro nghề tín dụng luôn thường trực và xảy ra bất kỳ lúc nào.
Với nghề tín dụng, rủi ro có thể khách quan do nền kinh tế, do chính sách vĩ mô, do các yếu tố bất khả kháng hoặc từ hoạt động kinh doanh khách hàng nhưng cũng có thể xảy ra từ sự lơ là, chủ quan của CVTD.
Và vì thế tấm chắn bảo vệ cho CVTD chỉ có thể là ngay từ ban đầu các Bạn làm thật chắc, tức là: Hồ sơ đầy đủ, thủ tục đúng quy trình, nội dung trình thẩm định rõ ràng, hãy hoàn thiện công tác quản lý hồ sơ và quản lý sau cho vay thật tốt, giấy tờ đúng và đủ theo quy định.
Đừng bao giờ quên điều này, vì chỉ khi rủi ro phát sinh, Bạn sẽ thấy tiếc do hồ sơ vì “lười” hoặc “ngại” mà không làm đầy đủ, cho dù đó có là loại hồ sơ đơn giản nhất. Và hãy nhớ một câu cửa miệng: “Án tại hồ sơ”.
Thứ ba phải đặt cho mình các mục tiêu ngắn hạn, Công việc gì cũng cần có mục tiêu, việc đặt ra cho mình một kế hoạch hành động sẽ giúp bạn định hướng tốt hơn, bố trí và sắp xếp công việc khoa học, nhưng vấn đề là mục tiêu của Cán bộ tín dụng là gì? Đơn giản là hãy Đặt cho mình mức thang thăng tiến.
Người viết cũng có tham vấn ý kiến của một số cán bộ lãnh đạo cấp trung của các NHTMCP và được chia sẻ kinh nghiệm như sau: Là chuyên viên tối đa 4 năm, làm tổ trưởng/team leader 3 năm, rồi cấp trưởng/phó phòng 4-5 năm và sau bạn sẽ là Giám đốc hoặc Phó giám đốc chi nhánh 1 ngân hàng (Sếp ngân hàng).
Như vậy, cần tối đa khoảng 12 năm cho con đường thăng tiến. Đây chỉ là công thức tham khảo và được chia sẻ từ một hoặc một vài nhóm người đã thành công nhưng hãy xem họ phân tích như thế nào?
Tại sao lại là 4 năm làm chuyên viên? Chuyên viên tín dụng như đã nói ở trên, có người chỉ cần 3 tháng là làm được nhưng cũng có người 5 năm chưa đạt yêu cầu, nhưng 4 năm ở đấy là khoảng thời gian bạn đặt ra để định hướng mốc cho sự phấn đấu nấc thang thăng tiến tiếp theo.
Thông thường chỉ cần khoảng 2 – 3 năm là Bạn có thể nắm rõ các kỹ năng và hoàn thiện nó một cách tương đối hoàn chỉnh, thời gian còn lại là để Bạn hình thành cho mình các phẩm chất của một cán bộ quản lý, xây dựng các mối quan hệ với đồng nghiệp, mở rộng mạng lưới khách hàng.
Sau 4 năm, thực sự lúc này Bạn có làm nữa cũng sẽ thấy oải vì bản chất công việc tín dụng là phải đi, phải lăn lộn, phải “sương gió” mới có kết quả.
Và nếu Bạn đủ năng lực mà có cơ hội làm team leader thì hãy nắm bắt ngay hoặc có thể phải đi tìm cho mình cơ hội ở những ngân hàng khác với môi trường làm việc mới. Lời khuyên chính là: Hãy thay đổi và hãy tìm cho mình cơ hội khi bản thân thấy đủ năng lực.
Các mốc tiếp theo cũng tương tự, đó chính là khoảng thời gian Bạn đủ để tích lũy cho mình những kinh nghiệm tại từng vị trí công việc, tích lũy những kỹ năng xử lý tình huống, tính bao quát và kiểm soát rủi ro trước khi bạn trở thành “sếp” ở Ngân hàng.
Trên đây là những chia sẻ từ kinh nghiệm của người viết về một khía cạnh của Nghề tín dụng, nó có thể không đúng với số đông nhưng cũng có thể đúng với một số cá thể. Công việc nào cũng vậy, muốn tồn tại và phát triển tất nhiên đòi hỏi sự nỗ lực hết mình, yêu nghề hết mình chứ không chỉ vì lý thuyết này, lời khuyên nọ.
Leave a Reply